Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009

LCD

Người "giữ hồn" cho tranh dán giấy
Chủ nhật, 12/9/2004, 08:00 GMT+7
Tranh dán giấy vốn là phương cách cổ điển mà các họa sĩ thường dùng để phác nét trước cho tranh, thay vì dùng bút chì hay màu. Tranh dán giấy về sau trở thành một thể loại ngang hàng với các thể loại khác của hội họa. Thể loại này đã có từ rất lâu, nhưng ít người theo đuổi và theo không nổi vì rất kỳ công. Hơn nữa, đã “chơi” tranh dán giấy phải là người có tâm huyết. Hiện nay, Lâm Chiêu Đồng đang “sở hữu” trên 100 bức tranh dán giấy và đó là những “đứa con tinh thần” của anh. Anh bộc bạch: “Nếu có người hỏi mua tranh. Tôi luôn hy vọng người đó ở Vĩnh Long và là người tôi quen biết, bởi tôi còn có cơ hội “nhìn” thấy tranh của mình lần nữa. Nó sẽ tạo cho tôi thêm sức mạnh đi đến cùng con đường nghệ thuật này”...Từ “giấy rác” đến tranh... Trong một chiều tháng 8, tình cờ tôi bắt gặp một bức tranh dán giấy trông rất lạ mắt. Tôi muốn đi tìm chủ nhân của bức tranh độc đáo ấy và đã gặp anh. Trước nhà Lâm Chiêu Đồng (phường 4 - thị xã Vĩnh Long) có cửa hàng bán bàn ghế, nhưng... không thấy chủ nhân. Hỏi ra mới biết anh đang miệt mài trong phòng sáng tác chuẩn bị cho Triển lãm tranh ĐBSCL ở Đồng Tháp vào cuối tháng 8-2004. Anh mời chúng tôi vào “phòng tranh” tham quan, căn phòng rộng chừng 16m2 bộn bề giấy, keo dán, màu, cọ... Anh nói vui với tôi: “Nói là phòng tranh chứ thật ra nó là phòng ngủ, tôi tận dụng luôn cho tiện, khi nào mệt thì có chỗ ngả lưng”. Trong không gian rất chật hẹp, vậy mà 4 năm qua anh vẫn miệt mài xé từng mảng giấy ghép lại thành những bông hoa, tán rừng, thiếu nữ... Với người khác, giấy là “rác”, nhưng với Lâm Chiêu Đồng giấy là thứ tài sản vô cùng quý giá.

Tiếp xúc với anh, tôi cảm nhận ở anh sự lạc quan, tấm chân tình của một con người rất đời thường. Anh say sưa miêu tả bức tranh “Phố” mới sáng tác của mình như một lời tự tình của một người đang khao khát hạnh phúc, ấm no: “Những ngôi nhà san sát như đang thì thầm với nhau. Hoàng hôn vừa buông, phố đã lên đèn, cuộc sum họp của những gia đình nhộn nhịp. Họ thật may mắn, bởi ngoài kia, trong ánh sáng mờ ảo còn sót lại của ngày còn một bác chạy xe lôi đạp đang còng lưng hối hả trở về”.

Hiện tại, điều mà anh “tâm đắc” nhất là anh đang “hưởng thụ” cuộc sống “tiêu diêu tự tại”, không tất bật với công việc kinh doanh như trước đây. Với Lâm Chiêu Đồng sáng tác luôn dựa trên cảm xúc của mình, không gò bó tác phẩm theo bố cục hay chủ đề đã định sẵn, tranh của anh thể hiện sự thong dong tự tại, đầy ngẫu hứng, bởi anh không bao giờ phác nét trước khi dán. Và anh là người may mắn hơn một số người, bởi người bạn đời luôn ủng hộ anh hết lòng. Có khi anh mang về nhà cả một “đống rác giấy”, nhưng chị vui vẻ đón nhận dù căn phòng rất chật hẹp. Anh cho biết: “Tranh dán giấy mất rất nhiều thời gian nhưng khi đã thuần thục, tôi làm còn nhanh hơn các thể loại khác, có bức tranh tôi chỉ làm trong 3 ngày. Chất liệu làm tranh cũng đơn giản chỉ giấy và keo dán”. Nét riêng của Lâm Chiêu Đồng nữa là anh chưa bao giờ dùng kéo cắt giấy dán tranh. Anh cho rằng dùng kéo cắt, giấy sẽ không có những đường “ngoằn ngoèo” màu trắng và khó tạo ấn tượng khi “đụng” phải những bức tranh đặc tả một bức tường xây bằng gạch hay niềng xe đạp... Trên tranh của anh có những miếng giấy mảnh như sợi chỉ, nhưng bằng những “ngón tay cọ” của mình, anh “xé” không hề bị đứt.

Ngoài tranh dán giấy, anh còn vẽ tranh thủy mặc, màu nước... Và anh dành “tình yêu” cho tranh thủy mặc cũng không kém gì tranh dán giấy. Nhưng hiện tại anh đang giữ “sứ mạng” là người “giữ hồn” cho tranh dán giấy của Vĩnh Long không bị mai một. Và mỗi dịp Triển lãm tranh ĐBSCL, nhìn thấy bức tranh xé dán trưng bày là trong lòng anh khấp khởi.

Sáng tác là hơi thở...

Sinh ra ở Vĩnh Long, lên 5 tuổi, anh theo gia đình về Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống. Mãi đến năm 1982, anh về định cư tại thị xã Vĩnh Long. Những thăng trầm trong kinh doanh đã cuốn hết thời gian của anh. Vật lộn với cuộc sống, anh trải qua đủ nghề: làm bánh trung thu, bánh pía... rồi mở cơ sở sản xuất đồ gỗ, đóng thùng máy may sơn mài... Anh vốn có năng khiếu vẽ từ khi còn bé, nhưng vì cuộc mưu sinh nên “gác cọ” tìm kế sinh nhai...Rồi cơ duyên đã đưa anh trở về với hội họa cũng rất tình cờ! Năm 2000, anh bệnh nặng phải phẫu thuật ở TPHCM, lúc đó người bạn thân của anh thường xuyên đến thăm và động viên cố gắng chiến thắng bệnh tật. Năm 2001, anh tặng bạn 2 bức tranh dán giấy do mình sáng tác để tỏ lòng cảm kích tấm chân tình và từ đó tranh dán giấy trở thành “một phần đời” của anh. Anh nói: “Hơn nửa đời người đi tìm kế mưu sinh, lúc rảnh rỗi, tôi có vẽ tranh sơn mài, tranh dán giấy... nhưng chỉ làm cho vui. Mãi đến năm 2001, tôi mới thôi hẳn công việc kinh doanh về với hội họa và giấc mơ thời niên thiếu của tôi đã sống lại”... Hiện nay, tranh dán giấy của Lâm Chiêu Đồng được bày bán ở Gallery Vĩnh Long, nhưng với anh không coi việc bán tranh làm kế mưu sinh. Anh sáng tác chỉ để thỏa niềm đam mê của mình. Anh tâm sự: “Để đạt đến cảnh giới nào đó trong hội họa, thật sự tôi chưa nghĩ tới. Với tôi, cái đẹp xuất phát từ tâm hồn và nó luôn hiện hữu”.

... Cách đây 20 năm, anh đã sáng tác bức tranh dán giấy đầu tiên, lúc đó giấy màu rất hiếm, anh phải “xé” giấy ở các tạp chí của Liên Xô. Để hoàn thành tấm tranh, anh mất nhiều tháng mới có đủ giấy dán. Còn bây giờ, giấy rất phong phú, mỗi dịp tết đến, anh lại ra các cửa hàng bán lịch xuân tuyển chọn về làm tranh. Đối với anh, tranh dán giấy đã thuần thục, nhưng khi muốn làm nổi bật sự tương phản của các mảng sáng và tối trên mỗi bức tranh, anh gặp rất nhiều khó khăn. Do cái “gu” chọn lịch xuân treo trong nhà của những gia đình đều chọn tông màu sáng và để có một tấm tranh ưng ý, anh phải “bày” lịch ra đầy nhà để chọn màu. Mặt khác, tranh dán giấy cũng rất “kén” người chơi, nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn tranh vẽ. Anh nói: “Như tấm tranh Quê hương còn mãi màu xanh, tôi phải mất cả tháng trời ngồi xé từng miếng giấy nhỏ để tạo thành những chiếc lá li ti. Lẽ ra, tôi xé miếng lớn, nhưng tôi nghĩ nếu xé nhỏ thì bức tranh của mình sẽ sinh động hơn. Rồi có những tranh lại vô chừng thời gian, cảm xúc đến là tôi dán”. Tranh của Lâm Chiêu Đồng “rất đời và rất thật”, nhân vật trong tranh là những dân chài, tiều phu, thiếu nữ đồng quê... hay những bông sen, bông súng... Những cái tên anh đặt cho trên 100 bức tranh hiện có rất “dân dã” như: Trăng thanh, Rừng tràm, Tĩnh vật, Hoa súng, Chiều trên sông... Anh đặc biệt quan tâm đến đề tài “môi trường” khi sự mất cân bằng sinh thái ngày càng nghiêm trọng. Anh ấp ủ hy vọng mang đến cho người xem những bức tranh tươi nguyên của tự nhiên, những nét đẹp hoang sơ. Lẽ đó mà năm 2001, khi trở lại với hội họa và cũng là lần đầu tiên tham gia Triển lãm tranh ảnh nghệ thuật ĐBSCL tác phẩm “Quê hương còn mãi màu xanh” của anh đạt giải I. Đến năm 2002, tác phẩm “Phục sinh” được Hội nghệ thuật Việt Nam tặng giấy khen và đạt giải khuyến khích tranh nghệ thuật ĐBSCL. ***49 tuổi, nhưng với Lâm Chiêu Đồng con đường nghệ thuật chỉ mới bắt đầu. Anh hẹn tôi 6 tháng sau trở lại, anh sẽ có nhiều cái lạ hơn và cũng bắt đầu từ giấy. Hiện nay, anh đang có những bức tượng (người, cảnh vật...) làm từ giấy, nhưng thoạt nhìn sẽ không biết nó là giấy, bởi anh có thể biến nó thành đồng, đất nung, thành đá nhưng khi cầm lên rất nhẹ...
(nguồn Báo điện tử Cần Thơ)

Không có nhận xét nào: