Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Dạy Con Từ Thuở Còn Thơ Vành Khuyên Mỗi năm vào ngày Father's Day, Mother's Day hay Grandparents' Day, tôi đưa hai con đến nhà cha mẹ tôi, từ trong xe đậu trước cửa nhà ông bà, tôi gọi điện thoại cho chị tôi đón hai cháu vào, còn tôi thì phải đi đâu đó, đợi lệnh chị gọi đón hai con về. Bạn ngạc nhiên tại sao như vậy? Bố tôi vẫn còn giận tôi, ông cấm không cho tôi vào nhà. Có lần tôi tự mình bỏ lệnh " cấm vận " này, tự tiện vô theo lệnh mẹ và chị tôi, ông ra ngay chỗ tôi đứng bảo tôi đi ra. Tôi có buồn và thật buồn, nhưng tới ngần này tuổi rồi, tôi khóc không còn ra nước mắt. Tôi chỉ tự hỏi mình đã làm gì cho cha mẹ giận tới như vậy và phải ráng nhìn vào sự thật mối quan hệ giữa tôi với cha mẹ mà tránh lập lại sự đau buồn đó cho con cái của mình. Năm 1975, tôi mới 10 tuổi. Bố tôi đi học tập tập trung trong suốt 8 năm, đến năm tôi 18 tuổi ông mới trở về nhà. Trong mắt ông, tôi vẫn là cô bé con ông ngày nào, biết vâng lời và luôn làm những điều cha mẹ mong muốn. Tôi là cô gái giàu tình cảm, nhưng cô độc, tôi sống trong gia đình không chia xẻ với ai được vì những suy nghĩ của tôi chẳng giống ai trong gia đình. Tôi đã từng viết nhật ký đến cuốn thứ 22 và đó là người bạn duy nhất và trung thành nhất của tôi. Tôi dấu những cuốn nhật ký đó rất kỹ vì đó là bí mật đời tôi. Chị tôi có ngày thấy tôi khóc, đã bí mật đi tìm hiểu tôi viết là khóc vì chuyện gì. Nếu là chuyện gì hư hỏng, trai gái, chị không ngại nói với cha mẹ tôi để răn dạy tôi. Điều đó là không đúng vì phạm vào quyền tự do cá nhân, nhưng có quan tâm đến tôi chị tôi mới làm như vậy. Có lần tôi bị cấm không ra khỏi nhà cả tuần. Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt, tôi vô cùng thấm thía câu châm ngôn này. Tôi nào có muốn dấu ai chuyện gì, nhưng đâu phải chuyện gì cũng nói với tất cả mọi người và được mọi người lắng nghe và ủng hộ đâu. Vì ít nói, nên khi đã 18 tuổi, có ba tôi ở nhà, tôi bắt đầu nói ra những suy nghĩ của mình khi thấy ba tôi và các thành viên trong gia đình có vẻ khắt khe và khó khăn với tôi. Vậy nên tôi bị cho là nổi loạn và hư hỏng. Tôi nhận ra người lớn trong gia đình có thể dạy dỗ con trẻ tốt hơn những gì họ đang làm, nhưng để yên thân và không phải nói thêm gì nữa, họ dùng cái mũ không được như vậy là hư cho xong. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Câu nói đó quả không sai. Cá không ăn muối cá ươn nhưng nếu sát muối mạnh quá, nhiều quá, ngay xã hội tôi đang sống, tôi đang làm cha, làm mẹ đây, tôi e là cũng không phải. Thật sự, tôi vẫn nghĩ làm cha làm mẹ dễ lắm. Tôi luôn tin mình biết nhận ra vấn đề. Con còn nhỏ thì nói làm chi. Cho con ăn, đem con đi chơi, nói gì nó nghe đó. Có gì phải phàn nàn đâu. Nay, hai cháu nhà tôi đã lên 9 và 11 tôi càng nghĩ mà càng thương cha mẹ mình, dù hai cháu rất nghe lời tôi. Có thể tôi sẽ cho mình đang đi trên con đường phẳng lì, các cháu học tốt, đàn giỏi, thích đọc sách, tôi còn mong gì nữa à. Nhưng không, tôi đã khác tôi hồi mới lớn rất nhiều, còn các con thì đang lớn, tôi đang đối đầu với những thay đổi của mình và của con từng ngày. Tôi có lúc hoàn toàn bất ngờ, tôi bị con chất vấn những điều tôi chưa từng nghĩ tới tôi mới hiểu dạy con từ thuở còn thơ quan trọng vô cùng. Cuộc đời tôi nhiều trôi nổi, tôi cố gắng nhìn ra tất cả mọi vấn đề trước mắt để tránh những vấp váp mà tôi có thể gặp lại hay gặp phải. Có nhiều chuyện phải nói tránh không nổi. Trong hai năm tôi bị hai cô một người Mỹ, một người Mễ bully tôi, một lần tôi bị cô người Mễ báo cáo với cấp trên là tôi đánh vào đầu cô ấy hai cái cô ấy bị nhức đầu hai ngày nghĩ bịnh. Lần đó tôi bị kêu lên và được đưa trước mặt tờ nội quy domestic violence và có thể bị đuổi. Tôi mới nói chắc, nếu các vị tìm ra bằng chứng tôi chịu, còn không thì cái người vu cáo tôi phải bị đuổi vì cố tình gây khó khăn trong công việc cho tôi. Lần đó họ để tôi yên, tôi không biết cô kia có bị gì hay không và họ không có trách nhiệm phải báo tôi biết. Lần thứ hai là cái cô người Mỹ, cao to, lên báo cáo cấp trên tôi đã dọa giết cô ấy. Lần này tôi bị cho nghĩ làm ăn lương ba tuần để điều ra sự việc. Trời có mắt nhìn xuống mà coi. Bà này tới bà nội tôi chưa chắc dám đụng chứ đừng nói tôi. Tôi không thích trả lời bà ta và có hơi bực mình vì bị bà ta hỏi, tôi chỉ nói tôi không muốn nói chuyện với bả với thái độ hơi bực dọc thì bị vu oan như vậy. Trong ba tuần tôi ở nhà, tôi đã chuẩn bị sẳn tinh thần có thể bị đuổi và thất nghiệp. Tôi rất căng thẳng và điều đó ảnh hưởng đến hai cháu trong nhà. Tôi rất cố gắng bình tĩnh nhìn rõ vụ việc để không ảnh hưởng tới hai con nhiều. Vì căng thẳng quá, tôi rất cần được để yên. Các cháu vẫn quen có mẹ nói chuyện, mất hẳn tôi trong ba tuần đó rất tội nghiệp. Khi chia xẻ điều đó tôi muốn nói, xây dựng lòng tin ở con cái cần thời gian rất lâu, đánh mất điều đó chỉ cần vài tuần. Các cháu rất sợ tôi la tội vô cùng. Điều đó có thể nằm trong đầu của nó suốt cuộc đời và sẽ có những điều rất đáng tiếc xảy cũng không thể ngờ tới được. Tôi có hai con, một trai và một gái. Con gái tôi trong diện trẻ bị autism nhẹ. May mắn cho tôi nhờ phát hiện và điều chỉnh sớm, cháu bắt kịp trình độ với bạn bè trong lớp đa số các mặt. Tuy nhiên còn những mặt khác phải cần điều chỉnh cả đời chưa chắc cháu đã vượt qua như giao tiếp và suy nghĩ. Anh của cháu, hơn cháu 20 tháng. Cháu được sinh đúng ngày, đúng tháng cha mẹ chọn. Chồng tôi lúc trước biết xem tử vi tay trái nên lấy ngày tháng tròn trịa nhất cho cháu. Còn bổn phận tôi là làm việc với y tá ở nhà thương có đúng phòng mổ ngay ngày hôm đó, giờ đã chọn. Cái câu "chạy trời không khỏi số " thật đúng. Mọi việc với cháu đều xuông xẻ. Cháu sáng dạ, mày mò tự biết nhiều thứ bằng chính khả năng của cháu. Tôi cũng không ngờ khả năng cháu tới đâu cho tới một hôm. Hai cháu không có bạn bè nhiều. Tôi một thân, một mình cũng rảnh. Lo xong việc cuối tuần, tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian dẫn hai con và các cháu đi xem phim mới cho vui. Trong lúc dẫn đi là thời gian tôi cũng học hỏi ở những gì nơi hai con và các cháu của mình khi chỉ gặp trong nhà không tôi cũng không có cơ hội để biết. Một lần cháu con chị tôi hỏi con trai tôi sao cháu không trả lời email cho cậu ấy. Tôi thấy con tôi lãng đi không trả lời tôi mới nói đỡ cho cháu " nó đâu có email ". Chị tôi trong xe nghe cũng lạ. Về nhà rồi, chị tôi gọi tôi giọng thắc mắc" con tao gửi email cho con mày, mày nói nó không có email vậy mày nói nó nói sạo hả Trâm ". Tôi còn chưa hiểu ra chuyện gì, tôi khẳng định với chị " con tui hông có email thiệt mà ". Tôi nghe tiếng chị tôi gọi cháu tôi và bắt cháu đọc địa chỉ email của con tôi cho tôi nghe. Đến thế này thì tôi phải gọi cháu hỏi. Con tôi bảo đó là địa chỉ email mà nó nghĩ khi nó lớn. Tôi vẫn còn tin con lắm. Chị tôi tức quá vì không nói được tôi bảo tôi gửi email theo địa chỉ đó, tôi đánh mấy dòng gửi đi. Mail đi thật. Tôi bắt cháu sign in. Con trai tôi sign in và đứng ngẩn ngơ chờ tôi trị tội. Tội lớn nhất là đã không nhận khi tôi đã nói ra rõ ràng địa chỉ email. Tôi hỏi sao không dám nhận khi tôi đã biết. Cháu bảo cháu sợ tôi la và tới lúc không còn dấu được nữa mới nhận. Cháu có cả facebook từ khi nào với đầy đủ bạn bè trai gái trên đó. Tôi nổi khùng. Tự nhiên tôi liên tưởng tới sự giận dữ của ba tôi khi ông biết tôi nói láo ông khi còn ở Việt Nam là tôi đi học mà cuối cùng ông biết ra tôi đi chơi với bạn. Tôi đã khùng luôn với con dùm cho ba tôi với tôi. Đau không chỗ nào tả, bao nhiêu là câu hỏi trong đầu tôi đặt ra. Tôi phải làm sao, lỗi tôi, lỗi con, con không tin tôi, tôi không tin con. Một điều cháu không đúng là thực tế cháu sanh 2002 mà trong profile của yahoo cháu phải để 1995 đó là fraud. Nếu mới hơn 10 tuổi cháu đã như vậy, sau này ra đời nhiều cám dỗ, không nhìn thấy hết hậu quả, cháu làm những chuyện động trời hơn hay những chuyện sinh ra hậu quả không lường trước được thì đúng là tôi đã không biết cách dạy cháu. Tôi sợ vô cùng, tôi thấy người mình run bần bật. Từ nhỏ tới lớn, tôi sợ nhất là có chồng mà chồng ngoại tình mình không biết. Tôi nhìn thấy mẹ tôi đau khổ chuyện đó nhất thì nổi đau đó cứ ám ảnh trong đầu tôi. Ngày ông xã tôi mất, tôi đứng bên quan tài mà sợ nhất có bà nào hay đứa bé không phải con tôi mà chạy lại kêu bố hay daddy có lẽ tôi đau đớn hơn nữa. Chuyện đó đã không xảy ra, nhưng chuyện tôi đang đối đầu đây là sự dấu diếm của con làm tôi thấy đau hơn rất nhiều. Tự nhiên tôi hiểu và thấm sâu sắc nổi đau khi cha mẹ tôi thấy tôi thất bại hay không bằng bạn bằng bè dù tôi đâu có muốn. Đó là kỳ vọng chính đáng của bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào trong đó có tôi. Cha mẹ tôi không dạy sai một điều gì thì tôi không thể nào làm sai bất cứ điều gì. Với tôi, tôi hiểu đúng là tôi không dạy con sai một điều gì nhưng các cháu còn bé như cái cây còn non, tôi phải chăm, phải uốn, tôi không chỉ có thể tưới nước và bón phân và mong đợi nó đơm hoa, kết quả. Cái cây cũng qua mưa nắng, cũng đối phó với sâu bọ. Có môi trường nào là hoàn hảo? Ngăn ngừa bệnh tật cho cây là điều làm không bao giờ dư cả. Tôi hiểu cha mẹ tôi rất thương tôi. Nhưng nghĩ mà coi, nói bằng lời tôi không nghe thì chỉ còn có đánh. Đau mới nhớ và không làm những điều cha mẹ không cho phép. Tôi còn nhớ như in cái đau mỗi lần bị đánh dù đã trên hai mươi năm, nhưng bây giờ cái đau thân thể nó hóa thành cái đau tinh thần, tôi lỡ làm cha mẹ buồn vì nông nổi của mình và giờ tôi đang chứng kiến và chấp nhận nổi đau tương tự đang là của mình. Tôi không còn kiểm soát được mình nữa. Tôi tét vào mông cháu bằng tay và hỏi con " tại sao mày dám dấu mẹ? ". Tôi đánh cháu mà lòng còn đau hơn cháu đang đau. Tôi thấy cháu không khóc khi tôi tét vào mông thì hoàn hồn. Như cha mẹ tôi đánh tôi nãy giờ, tôi đã bù lu, bù loa. Tôi tự nhiên thức tỉnh, tôi nhận ra cháu biết cháu sai, nhưng cháu không ngăn được sự nổi giận của tôi vì phần nào khi cháu tạo email và facebook cho cháu, cháu phần nào đoán được sự nổi giận này và cháu còn biết nó đến nhanh hay chậm là do tài dấu diếm của cháu lâu hay mau. Con nít mà còn khôn như vậy thì tôi không thể chỉ có đánh và la hay cấm tiệt điều gì tôi không muốn mà không có lời giải thích cặn kẽ. Tôi nhớ cha mẹ tôi chỉ có cấm tôi làm mà không nói thêm lời nào thì tôi cứ làm khi tôi thích. Tôi với cháu ngồi xuống, bình tĩnh nói với cháu chuyện cháu có email và facebook không quan trọng với tôi, nhưng điều cháu dấu tôi có thể dẫn đến một sự nguy hiểm nào đó cho cháu mà tôi không lường trước được để bảo vệ cháu như dụ dỗ, bắt cóc hay những thông tin trong gia đình. Cháu hiểu ra. Tôi thật tình không đoán được cháu hiểu tới đâu nhưng tôi không có lựa chọn nào khác là tập tin cháu và tự xây lại cho mình niềm tin từ rày về sau cháu sẽ không dám, nếu có dám nữa mà tôi biết ra, tôi lại bảo ban, dạy dỗ cháu ôn tồn chứ không còn cách nào khác. Tôi dư sức hiểu mọi sự đe dọa bỏ mặc, bỏ đói hay lấy đi những phương tiện cần thiết cho sự sống là điều có thể làm nhưng không phải là cách đối xử đúng đắn của một người cha hay người mẹ muốn con nên người. Trẻ con khôn hơn chúng tôi là trẻ con hồi đó nhưng vẫn có cái dại muôn thuở như bao trẻ con khác là sự tủi thân không còn ai nương tựa và không ai hiểu mình. Điều đó dễ dẫn đến sự làm liều vì nghe xúi giục. Cha mẹ tôi có nghiêm khắc với tôi, dù tôi đã từng buồn nhưng đó lại là thước đo tình thương vô bờ bến của cha mẹ. Tôi tự cảm thấy còn may mắn khi cha mẹ tôi vẫn còn trên cõi đời này và có một nơi chốn cho tôi lui tới dù không bước được vào nhà. Mai này khi cha mẹ tôi mất, tôi có thể đi ngang ngôi nhà đó mà khóc và nhớ cha, nhớ mẹ vô ngần. Tôi tự nhủ phải làm hơn cha mẹ của mình trong việc dạy dỗ con, đó là một trong những điều tôi có thể trả ơn lâu dài cho cha mẹ vì tôi hiểu được và thấm thía tình cha mẹ dành cho tôi. Dạy con từ thuở còn thơ, từ đây là châm ngôn cuộc đời tôi bạn ạ.