Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Mắc Nợ

Mắc Nợ
Vành Khuyên

Ả mắc nợ đàn ông. Từ cái khổ này qua cái khổ khác. Ước có được thằng đàn ông yêu thương mình, chờ mãi chả thấy. Ả đếch thèm ước nữa. Khi khổng khi không, ông Trời cắc cớ đưa đến cho ả một thằng. Nó yêu thương và lo lắng cho ả đến lạ. Ả cũng còn ngẩn ngơ, chưa biết cớ sự gì ông Trời tự dưng tốt với ả. Ả cứ từ từ, không vội vã, chuyện đâu còn có đó. Khi quả đã đến lúc chín mùi, thằng đàn ông thành khẩn: "chúng ta thành vợ chồng nhé". Ả cẩn thận,"để em suy nghĩ đã, đi đâu mà vội". Thằng đàn ông cười tha thiết, ôm ả tình tứ "còn chờ gì nữa bà xã tương lai".
Ả nghe có cái gì đó oằn oại trong người. Ả nhớ lại đời chồng trước, đánh đập, cãi vả, khóc lóc gì thì việc nhà cứ ôm lấy một mình. Ông mệt để ông ngủ, lôi ông dậy, ông chưa đủ giấc, ông cáu, ông đánh mày no đòn. Ả sợ điếng người. Cái sợ đủ để không dám có chồng kiếp sau nếu may mắn được đầu thai làm phụ nữ. Rồi khi khổng khi không lại rước cái thằng đang chiều chuộng này vào nhà. Ả ngán ngẩm sợ nếm mùi lừa dối, gạt gẫm, và vô tâm lần nữa. Trong ả, lần này ả nhận ra bản chất phụ nữ đã thoang thoáng nghe được điều gì đó không hay. Ả lại đánh vào cái đầu mình sợ mình ngu như con bò có thể đánh mất thiên đường hạnh phúc. Ả suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ đến điên đầu.
Một tháng sau, ả nói yes với thằng đàn ông đó. Nó hẹn ả ngày mai nói chuyện tiếp. Ả chờ một vòng tay ôm trìu mến của nó vào ngày mai đến vô vàn. Ông xã tương lai ơi.
Ngày hôm sau, thằng đàn ông đó đến, chưa vô nhà, nó đậu xe trước cửa, bấm hai tiếng còi như mọi lần đợi ả ra xe đi movie. Ả lẹ làng bước ra, thằng đàn ông đưa ả một phong bì, vỏn vẹn "trả hộ anh bill này, sắp làm vợ chồng tiền anh cũng như tiền em". Vừa nói xong, thằng đàn ông rồ xe đi mất.
Ả bước lần lần, mở bill ra coi, thấy tổng số nợ là 5000 ngàn đồng.
Đâu cần nói nhiều, ả đã hiểu ra ý ông Trời " Mắc Nợ ".
Cho Một Ngày

Than

Than
Vành Khuyên

Giờ tôi không còn bận tâm đến than thở. Than làm gì hả bạn. Cái gì tới sẽ tới. Không tới có chờ mỏi cổ nó cũng chẳng đi ngang cho mình nhìn chứ đừng nói tới phiên mình.
Mà tôi thấy cũng kỳ, người có tiền cũng than, không tiền cũng than. Người có hạnh phúc thì nhiều khi nhìn họ cũng đâu biết họ có hạnh phúc. Tôi không có ai, nói hạnh phúc người ta không tin, nói không người ta cũng không tin vì có đôi lúc họ thấy tôi phá lên cười như con điên vì thực sự đời sống nhiều khi đưa đến tôi những trò oái ăm đến không tưởng. Khóc có được gì, tôi cười đại cho qua chuyện, cười xong ngồi xuống suy nghĩ làm sao đối phó đến điên đầu có ai biết đâu. Nhiều khi không biết trong bụng tôi chỗ nào toàn không khí mà tôi cứ cảm trong người một sự trống trải tới cùng cực. Muốn lấy ngay sự trống trải ra bằng được cho nó đỡ khắc khoải mà cũng phải bó tay ngồi chờ nó thăm mình chán rồi nó đi chứ biết làm sao.
Nhiều lúc tôi thấy tôi hoàn toàn không có một quyền lực nào, cứ chờ hết vận này, vận kia, chỉ còn biết cám ơn một khắc an lành, một giây yên ấm, nó đến thì vui, nó không đến tôi chờ, sẽ chờ và chờ mãi .
Còn biết làm gì hơn hả bạn, nên tôi không còn than.
Chỉ còn biết chờ, chờ và chờ thôi bạn.

Hiện Tại

Hiện Tại
Vành Khuyên

Một ngày đến với bạn an lành. Bạn hãy tự hỏi bí quyết từ đâu.
Ngày mai lại an lành, ngày kế tiếp vẫn an lành, ngày không an lành là những ngày nghĩ về quá khứ, những lầm lỗi đã qua, nghĩ về tương lai khi bạn thiếu tự tin không biết điều gì sẽ đến.

Nghe tôi, cứ sống ngay đời sống hiện tại, lo những nỗi lo hiện tại . Bạn phải làm xong nó vì nó trở thành quá khứ ngay ngày mai, bạn không thể chối cải .

Bạn không thể lo tới cái gì ở tương lai khi hiện tại bạn còn chưa xây cho chắc những suy nghĩ bạn cần có và cần vun đắp để đối phó với những thử thách trong tương lai.

Đời không có là bao, nay bạn khoẻ, mai nhức đầu, nay bạn cười, mai kết quả thử nghiệm máu có thể làm bạn lo lắng. Nụ cười của ngày hôm nay và những công việc đã hoàn thành sẽ trút bỏ bớt những lo lắng trong đời sống.

Sống cho hiện tại nhé, bạn của tôi.

Mệnh

Mệnh
Vành Khuyên

Sáng nay truyền thông loan tin một tác giả của một bài hát rất nổi tiếng và phổ biến được tìm thấy đã chết tại cư gia. Bài hát đó tôi rất thích. Bất cứ khi nào bài hát đó được cất lên từ bất cứ nơi nào tôi nghe thấy được, cho dù tôi đang ở trong trạng thái bất ổn nhất cũng cho tôi một cảm giác bình an như ngày nào khi tôi nghe .

Cái buồn và một sự biết ơn giới truyền thông đã đưa tin xen lẫn trong tôi. Ít nhất có người nhận ra người viết bài hát đó. Cuộc đời dù không đưa ông tới đỉnh cao ngất của sự vinh quang, của danh vọng nhưng với tôi bài hát từ trái tim ông đã đạt tới đỉnh cao mà ông không định trước là sức sống và sự bất diệt của bài hát theo thời gian dù ông có đi về phía bên kia của đời sống.

Trong cuộc đời, cũng như đời sống của bài hát này và tác giả của bài hát, rất nhiều thế hệ và con người tìm ra mình trong những lời hát, những bài viết mà có khi họ chỉ được đọc một lần, đọc nhiều lần hay chỉ tiếp cận vài giây mà họ vẫn nhớ mãi, dù có dùng biện pháp gì để xóa điều đó trong họ cũng không thành công. Sức lưu trữ và khả năng lưu trữ trong bộ óc con người thật kỳ bí. Cũng như có những điều trong đời, tôi vẫn nghĩ mình đã quên, tôi vẫn nhớ như in và có khi còn hiểu ra được khía cạnh khác của vấn đề khi tôi vô tình nhớ lại. Tôi nhận ra có những điều trong cuộc đời thật vĩnh cữu mà chỉ vì tôi không muốn chấp nhận sự vĩnh cữu của những điều đó nên mới ngạc nhiên mà thôi.

Những lần tôi ngửa mặt lên trời hỏi tại sao những chuyện không may lại chọn tôi mà đổ xuống ít dần đi. Tôi không còn ước những gì không thể thành sự thật và sợ nó không bao giờ thành sự thật để rồi lại khóc ấm ức trong đêm nữa. Tôi sống hôm nay, tôi biết trọn ngày hôm nay và điều đó mang lại sự hài lòng tuyệt đối cho tôi ngày mai. Ngày mai nếu tôi sống trọn vẹn, tôi lại có sự hài lòng cho ngày sắp tới. Tôi sẽ tiếp tục một đời sống từng ngày trọn vẹn của mình, thành thật với chính bản thân mình, với những người mình yêu thương, cho dù họ đang hiện hữu hay đã xa tôi một khoảng trời hay một quảng đời.

Xin được kết thúc bài viết bằng những dòng đã có trong một bài viết nào đó của tôi

....tôi là một người chẳng ra gì, đi trong cuộc đời, tôi coi thường tất cả, cái tôi trọng nhất là sự đơn giản, thành thật và tình người.

...Mai đây khi ai còn nhớ tới tôi như Vành Khuyên, hãy nhớ bằng tấm lòng của một con người nhân ái, tôi không sợ dị nghị, không sợ tai tiếng, không sợ chi hết, chỉ sợ lòng người không còn đủ thật cho nhau ngay khi đứng trước phần mộ nhau thì chán quá đi hả.
Cuộc sống chỉ đáng quý khi có tình người, tình đồng loại. Hãy sống bằng trái tim của mình.

Cho Một Ngày

Viết

Viết
Vành Khuyên

Viết là niềm vui của tôi.
Tôi không viết để được khen, tôi không viết để tìm danh.
Tôi đã từng được khen, đã từng bị danh làm đổ đốn.

Tôi vẫn viết vì tôi ham viết.
Danh giờ không làm tôi mờ mắt.
Lời khen giờ cũng chẳng làm tôi ham viết chút nào .
Khi được khen lúc này tôi thấy chán, tự nhiền sợ lời khen đó lại đưa mình vào con đường nhắm mắt thì khốn.

Mỗi lần được khen, tôi bỏ site đi khá lâu, do bận rộn và do không còn hứng.
Gặp mấy người đã từng lừa hay làm tôi khốn đốn tôi lại thấy đau và không muốn vào nữa.

Hãy tôn trọng tôi nhé. Tôi muốn được viết, chả muốn gì cả.

Chỉ có vậy. Tôi giải toả những khúc mắt trong đời sống bằng cách viết.

Tôi không tìm gì hết. Đừng làm điều gì để tôi phải nghi ngờ bạn.

Có bạn hay không, đời sống của tôi vẫn là của tôi, bạn sẽ không bao giờ chiếm hữu được nó bằng những lời khen.

Người tôi quý tôi vẫn quý . Tôi đã không quý nữa thì gặp lại tôi sợ vô cùng, tôi có cả ngàn lý do để nổi sợ tồn tại dù trong đời tôi bước thẳng và chưa từng sợ ai.

Sợ

Sợ
Vành Khuyên

Hình như tôi sợ đủ thứ. Buổi sáng vừa lùi xe ra khỏi garage thật an lành, bánh xe vẫn đi được, không xẹp hơi như sáng nào tôi vẫn bình tĩnh gọi hàng xóm thay dùm bánh xơ cua. Ủa an lành cũng làm tôi sợ. Hết chuyện.
Rồi tôi gặp ông hàng xóm. Ủa gần 6:30 sao giờ ông mới đi, mọi bữa 6 giờ đã thấy ông ra khỏi nhà. Lạy trời ông vẫn còn việc làm. Tôi thấy ông vẫn mặc cái áo màu cam đồng phục thường ngày thì yên trí trong bụng. Hú vía, sợ gì không sợ, sợ dùm ông hàng xóm thất nghiệp.
Đi qua khỏi hai ba căn nhà, tôi thấy buổi sáng trơn tru quá, hơi sợ mình có bao giờ mà không quên thứ gì đâu. Tôi nghĩ thế nào mình cũng quên tắt đèn trong nhà hay sao mới đi nhanh như vậy. Sợ tốn điện nhà nước. Tôi bỏ vội hai con vào nhà bác giữ hộ rồi chạy ù về nhà xem đèn tắt chưa. Đèn tắt rồi, căn nhà vẫn im lặng đứng đó chờ tôi về, sợ gì sợ lắm thế.
Rồi bánh xe tôi lăn ra tới đường cái, tôi để ý ít xe qua lại hơn mọi ngày. Mọi sáng, tôi đứng chờ mãi ngã ba khoảng hơn phút mới chạy ra được, sao hôm nay chẳng thấy một bóng xe nào. Tôi nhấn ga phóng ù ra. Xem lại đồng hồ đeo tay, gần bảy giờ, làm sao mà lộn được. Đồng hồ trên xe cũng chỉ giờ đó.
Trời, vậy là tôi thấy an toàn hay tôi đã không còn có cảm giác an toàn nên nghĩ lung tung đến thế. Hay cái đầu tôi vẫn còn làm việc kiếm chuyện để suy nghĩ, để quan sát hơn là quá tin vào mình cứ đi và đến những nơi đã định theo như giờ giấc của mỗi ngày.
Thật sự tôi mơ hồ đánh vật với những suy nghĩ tôi đang có như đang trong cơn mê không biết mình thức dậy có còn thấy nguyên vẹn những gì mình đang thấy hay không.
Bạn ạ, mỗi ngày dù bạn sợ hay không sợ. Tiếp cận với báo chí và internet, ngày hôm qua, một thành phố ẫn còn trên bản đồ, ngày hôm nay vừa chưa tới giữa trưa, tsunami đã xoá sạch nó. Con người hoi hóp nằm dưới đống gạch vụn chờ được tìm kiếm. Người sống sót trở lại nơi bị tàn phá tìm kiếm những gì còn giữ lại được. Những hình ảnh đó dù có cố quên, cố gạt ra khỏi đầu óc của mình tôi vẫn không thể chối được một suy nghĩ mình đang có là đời sống này vô cùng bấp bênh bạn ạ. Không có gì, không có một điều gì trên thế gian này và ngay trong suy nghĩ của bạn có thể tồn tại vĩnh viễn. Bạn phải đối đầu với thay đổi, bạn phải thay đổi để đối đầu, bạn phải sợ, bạn phải chuẩn bị cho nổi sợ, vì ngày mai có thể không còn với người này hay với bạn, hay mọi thứ chỉ còn đếm được trong khoảnh khắc.
Tôi dặn hai con, nếu tsunami đến, bám vào cây hay vào bất cứ cái gì có thể bám chặt được nhé. Ở yên đó sẽ có người tới tìm cứu hai con. Trời, tôi dặn là để cho hai con yên tâm nhưng thật sự tôi đang làm chúng sợ vì tôi đâu không tìm hai đứa mà nói làm như tôi không còn trên thế gian này vậy.
Thấy chưa, trong điều bạn không sợ chứa đựng nổi sợ của người khác. Bạn nghĩ bạn không sợ khi nói điều đó nhưng thật sự là bạn sợ.
Tôi chỉ còn tin một điều tôi có thể làm được là hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn, ngày mai có thể là ngày cuối cùng tiếp theo và tiếp theo nữa. Để có thể nếu bất cứ ngày nào là ngày cuối cùng thật, bạn hãy tin bạn đã sống hết mình và hết lòng cho cuộc đời bạn đã có. Bạn tin tôi hay không? Tùy bạn đi nhé.
Cho Một Ngày .

Tôi Yêu Nhạc Đồng Quê Của Mỹ

Tôi Yêu Nhạc Đồng Quê Của Mỹ
Vành Khuyên

Khi mới nhập cư, mỗi lần tình cờ nghe loại nhạc đồng quê của Mỹ, tôi có cảm giác ngộ ngộ. Ngộ như những dịp tình cờ nghe một số ca sĩ không chuyên cất giọng ca cải lương mà luyến láy không đúng chỗ nghe không sướng cái lỗ tai như ca sĩ chuyên nghiệp hát vậy. Nhạc đồng quê của Mỹ vẫn lớn mạnh, vẫn có người yêu thích, con số người nghe và dĩa nhạc đồng quê từ những ca sĩ có hạng và ca sĩ mới ra lò hay mới nổi tiếng vẫn bán chạy như tôm tươi.
Những ca sĩ nhạc đồng quê cũ vẫn còn sức thu hút với những người yêu thích thời của họ và lớn lên cùng những bài hát họ thể hiện. Gần đây chương trình thần tượng âm nhạc trao giải cho nữ ca sĩ nhạc đồng quê Carrie Underwood và năm nay trao cho nam ca sĩ nhạc đồng quê trẻ nhất trong lịch sử Mỹ đoạt giải Scotty. Điều đó tạo sự chú ý trong tôi rất nhiều. Hai năm trước đây, tại chương trình American Got Talent một ca sĩ nhạc đồng quê không chuyên khác cũng thắng giải. Những bài ông đã hát dự thi hoàn toàn thuyết phục tôi. Họ giải bày thẳng từ trái tim, hát từ tấm lòng và từ sự chân thành của một con người.
Thật sự khi tới tiệm bán dĩa nhạc, bạn đi một vòng theo thứ tự a, b, c thì ABBA, Karen Capenters và cùng lắm là Jennifer Lopez đập vào mắt bạn. Nếu không phải quen thuộc từ thời bạn sống thì ít nhất trên tất cả các mạng truyền thông ở đâu cũng giới thiệu và ca ngợi người ca sĩ đó hoặc là đẹp nhất hoặc là bài hát đứng đầu bảng xếp hạng thì bạn mới để ý.
Tôi thì hay để ý tới ca từ. Những ca sĩ vừa sáng tác vừa thể hiện bài hát của họ thành công là con số ca sĩ đứng đầu bảng xếp hạng lâu nhất. Tôi thường bấm bụng bỏ tiền ra mua những đĩa nhạc như vậy vì hy vọng học thêm được chút vốn liếng tiếng Anh thực thụ. Nhạc đồng quê với ca từ chân chất cho tôi được sự thú vị đó.
Có nhiều lý do khiến tôi thích nhạc đồng quê, họ có gì nói đó, thích sao nói vậy, không thích nói luôn, họ diễn tả những điều mà nếu không sống đời sống bộc bạch như họ bạn không dám nói. Điều đó chỉ là bí mật cuộc đời bạn nhưng nó lại giản dị và dễ nói vô cùng như họ đem biểu lộ cảm giác khó nói đó vào nhạc đồng quê vậy. Có rất nhiều bài đã được ca sĩ các dòng nhạc khác hát bạn nghe rất bình thường, nhưng khi được các ca sĩ nhạc đồng quê thể hiện bạn lại nghe ra những điều khác mà bạn đã không tìm thấy được qua sự thể hiện của những người trước đó.
Tự nhiên tôi chợt muốn đem so sánh cảm giác tôi nghe cải lương hay dân ca ở Việt Nam so sánh với cảm giác sâu lắng khi nghe nhạc đồng quê nơi đây. Mỗi trưa ở Việt nam, những ngày tôi còn tại quê nhà, trưa nào tôi cũng chờ nhà hàng xóm mở chương trình dân ca, nhạc cổ mà nghe. Nghe sướng cái lỗ tai vô cùng. Nhạc dân ca và cải lương Việt nam với từng giai điệu độc đáo đã nuôi con người Việt Nam trong tôi lớn lên, tạo nền tảng và nguồn gốc thật vững chắc cho tôi hiểu tôi là ai, từ đâu tới đây trong cuộc đời này. Tôi không bao giờ quên những buổi trưa đó. Giờ có nằm lim dim trên võng nơi đây, tôi vẫn nhớ rõ như in từng cảm giác thực thụ tôi đã có trước đây dù đã hơn 20 năm xa cách.
Còn nơi đây tôi yêu Kenny Rogers, Tim McGraw, Shania Twain, Patsy Cline, Donna Fargo .... với những bài hát rất gần gũi với tình cảm và cảm giác tôi từng trải qua trong đời sống nhập cư, học hỏi và tìm hiểu văn hóa và sống thực trong đời sống văn hóa mà nếu bạn có hỏi tôi có thích nó 5 năm trước đây hay không, tôi sẽ nói không vì tôi hoàn toàn không hiểu và không thể tìm ra sự gần gũi và đồng cảm với loại nhạc này được.
Đời sống đối với tôi rất đơn giản, nếu có phức tạp, tôi sẽ tìm ra cách nhìn ra nó đơn giản để giải quyết và sống tiếp vì điều đó là thực chất của đời sống. Chỉ có con người muốn và cố tình làm cho nó phức tạp để phục vụ lợi ích nào đó của họ mà thôi.
Có những điều chưa bao giờ bạn quen thuộc mà một ngày nào đó tự nhiên nó trở nên quen thuộc với bạn tới không ngờ. Bạn cũng không hiểu tại sao, bạn thầm ước có nó mỗi ngày, để được nghe, được chia xẻ, được nói dùm bạn những điều bạn nghĩ mà bạn đã không có ai để được nói, được chia xẻ với.
Đời sống có những điều thật thú vị. Nhạc đồng quê của Mỹ đã tạo cho tôi sự thú vị đó và tôi vẫn còn ngạc nhiên vô cùng vì sự thú vị này của mình.
Tôi từng chia xẻ không dám bỏ tới cả 15 đồng để mua một cái dress thật đẹp. Điều đó cũng làm đẹp cuộc đời. Nhưng tôi dám bỏ cả gấp đôi, gấp ba số tiền không dám bỏ mua quần áo để mua nhạc đồng quê của Mỹ. Bạn biết không, vì số tiền này nó làm phong phú một ngày làm việc của tôi, giúp ngày của tôi qua nhanh hơn. Tôi thấy như chính tôi sống với bài hát, sống với cảm giác mà những người ca sĩ nhạc đồng quê đã tạo cho tôi. Tôi trở lại với đời sống riêng của mình đầy đủ và bản sắc hơn trong cái nguồn gốc tôi mang theo tới đây. Tôi hiểu được từ cái nguồn đó đã tạo cho tôi bản lĩnh để giúp tôi hiểu được sự thể hiện của nét nghệ thuật và văn hóa khác như hiểu và yêu nhạc đồng quê của Mỹ.
Đời sống của một người nhập cư ban đầu buồn và cô quạnh bao nhiêu, qua năm tháng tôi tìm ra sự hài hoà và sự hội nhập đã làm cho tôi thấy yêu đời hơn rất nhiều.
Trong đời sống bạn tìm một chỗ trú theo nghĩa nhà ở, an toàn trong công việc làm, tôi bước một bước cao hơn trên con đường đi tìm chính mình trong tình cảm của tôi với nhạc đồng quê của Mỹ.
Hy vọng một ngày nào đó bạn gặp lại tôi, bạn hỏi tôi còn thích nhạc đồng quê của Mỹ hay không, tôi vẫn sẽ nói YES.
Vành Khuyên

Cô Dâu Ở Tuổi 46

Cô Dâu Ở Tuổi 46
Vành Khuyên

Chị bạn hỏi tôi, "Ê Trâm, 46 rồi còn làm cô dâu được không Trâm ?". Tôi thấy thú vị, nhìn lên hỏi chị " 50 còn được chứ ở đó mà 46 không được, chị thấy ai mặc áo cưới tuổi này à ? ". Chị ỡm ờ " thì ...thì người bạn trai Mỹ hỏi cưới mà chị chỉ muốn làm giấy tờ rồi sống chung thôi ". Đàn bà rõ khổ, tôi thấy khổ thật chứ không phải chơi. Này nhé, yêu một người, muốn sống chung, thật ra đám cưới là sự chia xẻ hạnh phúc của đôi vợ chồng dù có tuổi hay không, mặc áo cưới hay không không thành vấn đề, có sự công bố trước gia đình, họ hàng, tôi thấy đã là đủ. Vì sợ lời ra tiếng vào mà phải suy nghĩ , trời, lấy chồng chứ có đi buôn gì không đúng đâu à. Tôi được thể hỏi tiếp : " Chị muốn mặc chị cứ mặc, thậm chí trong tiệc chị thay đổi ba bốn cái áo trắng đen gì tuỳ thích em cũng ủng hộ chị chứ đừng nói một cái, còn chị không muốn làm vì nghĩ chị với anh ta hiểu nhau đủ rồi, em ủng hộ luôn ". Chị cười mau mắn " hỏi ai cũng trả lời như Trâm thì chị đã xong lâu rồi, người này nói này, người kia lại nói khác, không dễ tính đâu ". Tôi kết luận với chị " trời, đời chị chứ đời người ta đâu, người ta không chịu trách nhiệm đến đau khổ hay hạnh phúc chị có đâu, chị làm gì chị vui cho cuộc sống của chị em đều ủng hộ. Có tin vui thì báo em nhé ".

Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi hiểu vợ chồng là duyên số chứ không phải cứ muốn là đươc. Khi còn trẻ lúc yêu, người ta có thể thề sống chết với tình yêu mà còn bỏ nhau hà rầm, khi lớn tuổi kẻ thì lao vào, người thì tránh như tránh tên thợ săn do thất bại của hôn nhân trước. Cái câu hỏi mà họ phải tự hỏi họ là họ có hiểu và có nghiệm ra được làm thế nào nhận dạng được tình yêu chân thật hay không vì cũng như bao hiện tượng khác những gì có thể nhầm lẫn với tình yêu nhiều vô cùng.

Trong đời sống, ngoài sách vở ra, tôi thật sự muốn cha mẹ là một nguồn chính thức khác dạy cho con cái mình biết yêu và làm thế nào để nhận dạng tình yêu thật sự. Nhiều cha mẹ cho con cái mình cái ý niệm xem như không tiền, không bằng cấp thì chớ có rớ vào con cái mình nếu con của họ là con gái. Điều đó cũng đúng, chàng trai nào mà không lo nổi cho bản thân thì đúng là còn lo được tới ai. Nhưng liệu bằng cấp và tiền bạc có mua nổi một gia đình hạnh phúc hay không. Người Việt Nam hay nói cái câu có lớn mà không có khôn. Một chàng trai có thể học giỏi, nhiều bằng cấp nhưng về việc quan tâm và quán xuyến gia đình thì không tới đâu vì có thể điều đó nằm ngoài sự quan tâm của anh ta hay trong chừng mực nào đó cũng không ngoa khi nói anh ta đã không được dạy bài học tự mình phải làm cha làm mẹ như thế nào hay phải cải tiến cách làm cha làm mẹ của cha mẹ mình như thế nào, bổ sung những điều gì mà cha mẹ mình đã không làm được cho mình. Như tôi chẳng hạn, nhìn mẹ tôi hầu bố tôi từng bữa cơm, ngụm nước đến cả cây tăm xỉa răng sau khi ăn cơm, tôi thề mai mốt có chồng cũng làm vậy cho anh hiểu sự tận tụy của tôi với anh. Hiểu đâu à, khi tôi làm vậy anh trừng mắt " em làm như anh con nít không bằng, để anh tự lấy nước anh uống ". Ủa, vậy là khen hay chê, làm hay không làm. Hành động đó với cha mẹ tôi là yêu thương, còn với chồng tôi đó lại là xem thường.

Tôi đã từng không làm nữa, mà thật tôi cũng không biết phải làm gì để thể hiện yêu thương ngoài việc chung giường, chung mâm với người phối ngẫu của mình. Nếu hỏi tôi tiếc gì khi còn ở chung với cha mẹ, tôi chỉ tiếc mỗi một điều là cha mẹ không dạy được tôi bài học đơn thuần là yêu thương chân thành được thể hiện ra sao. Nếu bản thân tôi được chứng kiến những yêu thương giữa cha lẫn mẹ và cả những ẩu đả cúa cha mẹ, thì liệu tôi có đủ khôn ngoan trong đời để dàn ra cho chính bản thân một đáp án đầy đủ của sự yêu thương thật sự không.

Tôi còn nhớ cứ ra đường, trong trường, anh chàng nào thích mình, thấy hợp nhãn, nói chuyện có duyên hay hay là theo và đi cùng. Chẳng thì giờ đâu mà xem xét, yêu thích hay có thì giờ cho chuyện riêng tư để tự tìm xem trong đời sống chung có thể hợp nhau không. Cỡ tôi hồi đó còn chưa biết và tự vẽ ra rồi đời sống riêng sẽ ra sao, bao nhiêu con, ở đâu, làm gì khi lập gia đình. Viễn cảnh đó khi tôi yêu thương ai hầu như hoàn toàn không đặt ra cho tôi câu hỏi nào, yêu là yêu, lấy là lấy, không yêu thì có cho vàng cũng không lấy. Do vậy mà tôi không thích cái câu người xưa vẫn nói cứ lấy đi là hợp à. Câu đó có thể đúng với người xưa khi cả hai bị gả ép không hề biết mặt nhau mà vẫn ăn đời ở kiếp cho đến lúc cái chết chia lìa họ. Xã hội ngày nay đã tiến hóa và văn minh hơn rất nhiều. Trong đời sống chung, nhiều mâu thuẫn, đụng chạm, không được thử thách đầy đủ để đủ sức chịu đựng trải qua những sóng gió trong đời sống chung cùng nhau, hôn nhân đổ gãy liền. Tôi cũng ghét cái câu nói, về già đời sống vợ chồng chỉ còn là tình nghĩa. Sai luôn. Tôi đã từng nhìn thấy hai ông bà cụ dắt tay nhau đi bộ mỗi chiều, đi ăn sáng cùng nhau, vẫn chăm sóc và nhìn nhau thân ái. Nhiều khi tôi còn cảm nhận cái nhìn có khi còn tha thiết hơn nhiều vì họ biết ơn trong đời sống hiện tại họ vẫn còn bên nhau và còn có nhau đến tuổi này.

Cái ông hàng xóm gần nhà tôi đến lạ. Lúc rảnh rỗi, tôi mang hai đứa trẻ nhà tôi sang chơi với ông theo lời ông yêu cầu. Mai sáng gặp ông ông lại than tôi làm vậy khiến ông buồn hơn. Trời ơi trời, tôi biết làm sao. Ông bảo lẽ ra ông phải có đời sống như vậy, con cái, vợ chồng bên nhau vậy mà không hoàn không, đời ông chỉ như một cái bóng. Cứ đứng núi này trông núi nọ cho chết. Tìm niềm vui từ niềm vui của người khác cũng là một cách. Không ai, không một ai có thể thay đổi quá khứ thì ông buồn làm gì. Nếu đời sống không cho tôi một đứa con trai và một đứa con gái như hiện tại, có lẽ tôi đã sách bị đi thiện nguyện cho một tổ chức phi lợi nhuận nào đó , không nhà không cửa như hôm nay. Thêm vào đó tôi muốn đề cập tới cái chuyện người Mỹ hay nói " fall in" anh "fall out" of love. Khi con cái đã lớn cũng gần nữa số cặp vợ chồng kết thúc bằng tờ giấy ly dị, họ cho răng tình yêu của họ không còn như thuở trước ( làm sao được đầy đủ như trước mà so sánh chi). Hồi xuân hay triệu chứng mãn kinh của người phụ nữ đóng góp vào chuyện đó thì chỉ còn nhờ sự hiểu biết và thông cảm của cả vợ lẫn chồng chứ không thể từ một phía nào đơn độc được.

Trở lại cái chuyện cô dâu tuổi 46, chị còn mãi suy nghĩ và cho rằng đâu phải chị lấy chồng lần đầu, vả lại lấy chị lấy người bản xứ người ta thì họ hàng bạn bè người dị nghị nhiều hơn tán đồng. Họ nói chị theo kiểu gì như là vơ bèo, vặt tép. Người bản xứ thì sao chứ, ăn thua là chồng tương lai của chị, ông ta có tốt với chị hay không; chị có tốt với ông ta hay không khi nhỡ chị hay ông có vấn đề gì về sức khoẻ mà hai người vẫn yêu thương và bên nhau. Lời của ông Toà đọc cho hai người nói theo trước khi nói I DO rất dài mà tôi chỉ còn nhớ mỗi chữ “for sickness and for health” thật đúng vô cùng. Nó nói lên sự đồng cam cộng khổ là điều tiên quyết làm nên một đời sống vợ chồng đúng nghĩa và không ai trong hai người được quên điều đó.

Nếu là tôi, tôi suy nghĩ về điều đồng cam cộng khổ này nhiều hơn là điều đời sống phải có đôi, có cặp. Nhưng đôi cặp gì thì cũng phải có tình yêu thương chân thành và đủ mạnh để đi suốt với người bạn đời tới cuối con đường. Dù biết rằng không ai nhìn được tương lai nhưng hiểu được lòng mình và tình cảm của mình trước khi nói I DO thì được chứ tại sao lại không được.

Tôi thấy mừng cho chị vì qua những đau khổ của đời sống, chị tìm được một chỗ dựa tinh thần cho mình và mong chỗ dựa đó của chị sẽ là vĩnh cửu. Tôi nói với chị : " Hạnh phúc cho mình chứ cho ai đâu chị, vui buồn gì cũng do mình gieo, trồng và gặt hái, chị có lòng tin cho chị thì em cũng có lòng tin cho đời sống sắp tới của chị ".

Tối qua chị báo tin cho tôi tháng tới chị sẽ là cô dâu 46 tuổi. Lễ cưới của chị sẽ tổ chức đơn giản ở một công viên, chị bạn tôi sẽ mặc áo dài trắng, chú rể người bản xứ mặc vest. Chị hỏi tôi muốn làm phụ dâu cho chị hay không, tôi bảo chị để em chạy dọn dẹp cho chị có ích hơn. Chị nghe và đồng ý.

Cô dâu 46 tuổi của em, bài viết này dành cho chị và với tình thân mong chị sẽ hạnh phúc trọn vẹn với người chị chọn tới cuối con đường đời nhé.

Vành Khuyên

Tiếng Việt Của Tôi

Tiếng Việt Của Tôi
Vành Khuyên

Tôi tình cờ đọc được ý kiến một bạn đọc viết dưới bài của tôi phàn nàn về cách tôi dùng chữ. Tôi đã dùng chữ chất lượng thay vì có thể dùng chữ phẩm chất theo người đó là đúng hơn. Khi đọc những dòng chữ này, tôi biết ơn bạn đọc này vô cùng, không phải vì bà ta đúng khi sửa tôi mà tự tận đáy lòng tôi biết ơn trăn trở và suy nghĩ của bà ta trong việc sử dụng ngôn ngữ không chỉ cứ trong bài viết của tôi mà có thể trong các bài viết khác, của các tác giả khác, thế nào và không thể tránh là bạn đọc sẽ gặp phải cái gọi là " sạn " mà tác giả nào đó dù không cố tình đã cho bạn một cảm giác không "đã" hay " chói tai " vì chữ hay từ đó trước năm 75 người ta không dùng.

Khi tôi vào đọc tin tức thế giới trên mạng, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhiều bài viết tiếng Việt thật sự làm tôi bất mãn, dùng chữ rất là sáo rỗng, nhưng rồi sao, người ta có quyền viết như thế, tôi không thể cho tiếng Việt của tôi là thuần tuý rồi đổ cho tiếng Việt hiện tại là sáo rỗng, cho dù 5, hay 10 năm nữa có thể tiếng Việt tại Việt Nam sẽ phát triến theo một hướng mà có thể làm tôi quyết định không dám đọc tin tức từ các mạng bên nhà. Điều đó hoàn toàn là lựa chọn của tôi, tôi tìm chỗ khác đọc chứ sao. Ngôn ngữ không tự nó quyết định sự phát triển mà động lực của nó là chiều hướng phát triển của xã hội, ngôn ngữ tự phát sinh ra những mới mẻ để thích hợp và đóng góp vào những đặc trưng của thời nó sinh ra. Tôi còn lạ gì.

Thật sự vào cái mốc 1975, tôi mới 10 tuổi, lúc đó tôi mới học lớp 4. Tiếng Việt có là bao hả bạn. Viết một bài luận tả ngay chính người mẹ mình còn chưa xong. Tôi ở Việt Nam cho tới 24 tuổi thì đi định cư. Tôi có 14 năm tiếp cận với xã hội của chế độ đương thời tại Việt Nam. Phải nói cho công bằng rằng, dù cùng chế độ nhưng xã hội lúc đó rất khác với xã hội tại Việt Nam bây giờ và tôi cũng không thể quy đồng hai giai đoạn khác xa nhau này của cùng một chế độ. Cũng như tôi nghiệm ra nét văn hóa trước 75 mà đa số bạn đọc của Việt báo tiếp cận cũng khác rất xa những gì tôi tiếp cận khi tôi còn là cô bé 10 tuổi. Cũng như không quá đáng lắm nếu nói tiếng Việt của tôi chẳng giống ai. Mà tiếng Việt của bất cứ ai cũng có nét riêng do kinh nghiệm đời sống và văn hóa người đó tiếp cận, so sánh làm sao được. Bảo đừng dùng chữ này, chữ nọ, phải dùng chữ kia vì thời trước dùng như vậy, tôi thấy vô lý vô cùng. Điều đó phạm vào quyền tự do của con người. Tuy nhiên để nói cho công bằng, trong chừng mực nào đó tôi cũng không thể ngăn bạn đọc không có thiện cảm những chữ tôi hay người khác dùng được vì đó là tự do của họ.


Khi mới định cư, nếu bạn cho tôi thổ lộ, tôi sẽ nói với bạn rằng, khổ lắm, tiếng Việt không buồn nhớ, tiếng Anh thì không rành, tôi thật sự không biết mình sẽ tồn tại ra sao trong cái thế giới tôi không còn nhìn ra được chính bản thân tôi là ai. Ít nhất là 5 năm đầu tôi trăn trở vô cùng . Những bà giáo ESL rất tế nhị, không nỡ sửa đỏ loè bài luận tiếng Anh của tôi, nhưng tôi biết, dù có cả 14 năm học tiếng Anh tại Việt Nam, những bài luận đó của tôi còn thua xa một học sinh tiểu học. Nhưng có sao đâu à, tôi vẫn phải viết, vẫn phải tiếp cận, vẫn phải học và hiểu rằng tôi dù có muốn ngừng học cũng không được vì ngừng là chết liền.

Khi mới nhận việc tại sở xã hội, cô nhân viên người Việt trước tôi đưa cho bài thi thử việc là một bản đơn tiếng Anh đòi tôi bản dịch bản đó ra tiếng Việt. Thú thật cô biết tôi biết tiếng Việt chứ không phải không, biết theo kiểu nào, nói được, đọc được hay viết được cho người Việt hiểu, chứ không cần viết hay. Thử vậy thôi chứ khi tôi được nhận thì cũng chỉ là người ta đặt lòng tin đại vào tôi và vận may đến với tôi chứ chưa chắc tiếng Việt tôi hay hơn người khác. Nếu tôi không đọc, không viết tiếng Việt khoảng 3 năm lúc mới định cư và trong thời điểm tôi nhận việc tôi cũng chỉ dịch đại văn bản của bài thi họ đưa mà thôi. Bất cứ thứ tiếng nào cũng vậy, dù là tiếng mẹ đẻ, khi bạn không dùng thường xuyên nó cũng mai một đi. Ngoài ra ngôn ngữ là văn hoá, ít nhiều gì cũng có sự bất đồng, nhất là những gì từ thực tế, xã hội Việt nam không có thẻ xanh thì cái tiếng Anh họ gọi là Permanent Resident Card tôi chả biết dịch ra làm sao cả. Tôi dịch trong bản dịch thử việc là thẻ xanh còn đúng ra phải gọi là thẻ thường trú. Nhưng thẻ xanh hay thẻ thường thú gì cũng là theo nghĩa chữ, còn nghĩa về văn hóa, xã hội thì giữa hai đất nước không có tương đồng, ai đến định cư nơi đây mới hiểu thôi.

Hệ thống đơn từ cho khách đến xin trợ cấp dù có cố làm đơn giản thì cũng không tránh được những hiểu lầm, người bản xứ còn lầm chứ đừng nói chi người mới nhập cư. Ở đây tôi không bàn tới cái chuyện cố tình lầm. Khi được gửi đơn xin trợ cấp bằng tiếng Anh, những khách người Việt nam của tôi họ phàn nàn không hiểu đơn nói gì. Khi tôi đổi lại gửi đơn bằng tiếng Việt, họ cũng gọi tôi bảo chị ơi em không hiểu. Ủa vậy tôi phải làm sao. Ý họ thật sự là gì tôi không biết nhưng đây không còn là vấn đề tiếng Việt hay tiếng Anh mà là sự sẳn lòng cung cấp thông tin cho nhân viên xã hội chuyển tải vào hệ thống của nhà nước để ra lợi nhuận cho họ. Người Việt nam rất thông minh và sáng dạ, đôi khi sử dụng sự thông minh đó hơn mức cần thiết để nói ra những điều hơi ngớ ngẩn mà tôi chính tôi, trung gian của hai bên, khách và nhà nước, cũng phải kỷ luật và nghiêm minh với chính mình lắm mới tìm ra được cách giải quyết mà không sợ mất lòng họ hay không làm mất lòng tin của sở.

Có những điều trong đời không trắng không đen, dù tôi biết đen mà chưa ai biết đen, tôi tự học bài học không nói ra cho tới khi cái người đã từng cho không đen tự xác nhận là đen. Mắc chi tôi phải nói cho mất lòng ra. Tôi rất cám ơn sự tương đối rõ ràng trong luật trợ cấp của Mỹ có thể giúp tôi làm việc công minh mà không sợ bị đổ cho là không biết tiếng Việt hay không đủ tiếng Anh. Tôi có đủ cả, chỉ có người không thích quyết định của tôi nhận định khác đi để mong làm tôi nổi giận. Trước đây tôi cũng dễ nổi nóng, tôi buồn và rất buồn khi cả khách Mỹ, lẫn khách Việt nhận quyết định của tôi mà họ không vừa ý họ dùng những lời lăng mạ bản thân tôi nhiều khi hơn mức cần thiết cho tôi hiểu tôi chả giúp gì cho đời sống đang khốn khó của họ. Tôi đau lòng lắm chứ, đau cho họ chứ không cho tôi. Họ nhìn họ có thể họ đang thiếu nhưng cái cách nhà nước bắt tôi nhìn họ là không thiếu. Như vậy vấn đề là sự khác nhau giữa hai cách nhìn thôi chả dính líu gì tới bản thân và tư cách của tôi cả. Nghĩ được như vậy, tôi mới ngồi ở công việc này tới tháng 6 năm nay là 18 năm rồi.

Cũng giống như bạn đọc bảo tôi dùng chữ của Việt cộng, thật sự tôi còn một chữ Việt nào để mà dùng tôi biết ơn chữ đó. Tôi đọc tin tức trên mạng mỗi ngày, chữ nào tôi thích tôi sẽ giữ đó để mà dùng hay có thể tự nó đã đi vào trong đầu tôi hồi nào không hay. Chữ nào tôi không thích hay bản thân tôi thấy không đúng thì có đọc và thấy cả bao nhiêu lần nói thật tôi cũng chẳng dùng làm gì.

Tiếng Việt tôi đang sử dụng nó mang bản sắc cá nhân tôi, con người tôi và lòng tự trọng tôi có cho tiếng mẹ đẻ khi tôi đang sống tha hương. Ai không thích chữ tôi dùng đều có quyền nói lên suy nghĩ của họ. Tuy nhiên khi thấy tôi dùng đi dùng lại xin đừng phật ý và cho đó là không đúng và quy tôi vào một thể chế chính trị nào đó. Lý do là vì vốn tiếng Việt đó là từ cá nhân tôi, bạn không dùng vì bạn cho đó là từ của Việt cộng là quyền của bạn. Chữ nghĩ nó chả có tội gì cả, nó chả mang một màu sắc chính trị nào hết, chỉ có con người gán cho nó màu sắc đó vì họ muốn mà thôi.

Tôi chẳng là nhà văn, nhà thơ chi, tôi chỉ nguyện làm một người Việt đúng nghĩa trên mảnh đất đã cho tôi rất nhiều cơ hội được hiểu chính tôi là ai trong cuộc đời này.

Xin cảm ơn một ngày nữa tôi có trong tầm tay, được viết, được đọc và được cảm tiếng mẹ đẻ cúa mình như ngày hôm nay.

Vành Khuyên

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

I Have No Feeling

I Have No Feeling
Vành Khuyên

I have no feeling any more
One minute you are fine
Next minute I am on fire
We are different somehow

I tried to tell you
Any minute I was blue
You took it like a joke
It was very hard to go thru

Goodbye my sweetheart
The toughest thing I do
I will remember the goods
From everything with you.